Phỏng vấn qua video không còn xa lạ gì với các bạn trẻ thời nay. Việc này giúp các công ty tuyển dụng và ứng viên tiết kiệm lẫn cả thời gian và tiền bạc. Xem kĩ những bí quyết sau và bạn có thể sẵn sàng cho một cuộc phỏng vấn rồi đấy!
Với các ứng viên J1, bạn nên làm quen với việc phỏng vấn online qua các ứng dụng thông dụng như Skype, Viber, hay Zoom. Ngay cả khi bạn là một người sành công nghệ, bạn cũng nên chuẩn bị kĩ cho buổi phỏng vấn online như một buổi phỏng vấn thông thường.
Dưới đây là 8 “bí kíp” bỏ túi để giúp bạn vượt qua vòng phỏng vấn đầy thử thách:
1. Kiểm tra kĩ thuật
Bạn nên chạy thử hoặc tiến hành gọi thử với các phần mềm bạn dự định sử dụng cho buổi phỏng vấn để chắc chắn rằng mọi thứ hoạt động bình thường. Hãy chắc chắn là bạn tải các ứng dụng và plugin cần thiết cho cuộc gọi online. Bạn cũng nên kiểm tra camara máy tính, mic, và cả kết nối internet. Bạn có thể thử gọi cho bạn bè hoặc người thân để đảm bảo rằng mọi thứ diễn ra suôn sẻ và thay đổi hoặc cập nhật nếu cần.
2. Sạc tất cả các thiết bị
Nếu bạn dùng máy tính cá nhân hoặc máy tính bảng, hãy nhớ sạc pin đầy đủ trong ngày phỏng vấn. Trong trường hợp sử dụng máy tính bảng, bạn nên cân nhắc một vị trí đặt cố định để hạn chế rung lắc thay vì cầm ở tay. Hạn chế sử dụng điện thoại cho việc phỏng vấn trừ những trường hợp bất khả kháng. Nhưng bạn vẫn nên sạc đầy đủ điện thoại của mình phòng khi cần, và đặc biệt là nếu bạn hẹn giờ bằng điện thoại, bạn cần bảo đảm rằng điện thoại của bạn đầy đủ pin. Không ai muốn lí do mình rớt phỏng vấn là vì chuông báo thức ở điện thoại không kêu vì hết pin.
“Sạc tất cả các thiết bị của bạn, kể cả điện thoại nhé!”
3. Trang phục
Mặc dù là buổi phỏng vấn video qua online, bạn cũng nên chuẩn bị trang phục như một buổi phỏng vấn trực tiếp thông thường. Đừng dùng “bí kíp” mặc áo sơ mi nghiêm chỉnh và mang quần ngủ vì bạn không thể biết trước được bạn sẽ vô tình quay phần chân của mình khi phỏng vấn. Thêm vào đó, bạn cần hạn chế mặc những màu quá chói hoặc quá sặc sỡ. Hãy chọn những màu sắc trung tính và những kiểu dáng trang phục chỉn chu, gọn gàng. Bạn cũng có thể mặc thử và xin góp ý từ người thân và bạn bè trước ngày phỏng vấn.
4. Chọn chỗ ngồi không bị ảnh hưởng bởi xung quanh
Chọn địa điểm mà bạn sẽ không bị quấy rầy bởi trẻ con, bạn bè, và cả “boss” thú cưng của bạn. Bạn cũng có thể đặt bảng không bấm chuông cho các bạn giao hàng không bấm chuông, hạn chế tiếng ồn khi đang phỏng vấn. Hạn hế tiến hành các buổi phỏng vấn tại các quán cafe hoặc sân vườn để hạn chế tối đa tiếng ồn hoặc tiếng động lớn. Tương tự, bạn cũng không nên ngồi phỏng vấn ở thư viện hoặc không gian yên tĩnh, vì khả năng cao là bạn sẽ bị nhắc nhở hoặc yêu cầu nói bé lại.
Hãy chắc chắn rằng đằng sau lưng bạn thật ngăn nắp, bạn không hề muốn bị xấu hổ ngay từ lần phỏng vấn đầu tiên vì đống đồ lộn xộn ở background. Bạn cũng có thể thêm đèn nếu muốn, nhưng đừng mở quá nhiều đèn, và nếu có thể, thì ánh sáng tự nhiên là lựa chọn tối ưu nhất.
Bạn nên chú tắt các thông báo để tránh việc bạn bị phân tâm bởi một email hay thông báo từ facebook khi đang trả lời phỏng vấn nhé.
5. Hãy chuẩn bị kĩ càng từ sớm
Đăng nhập và chuẩn bị mọi thứ 10 phút trước buổi phỏng vấn sẽ giúp bạn bình tĩnh và tập trung hơn khi buổi phỏng vấn bắt đầu. Bạn cũng nên in resume/CV, mô tả công việc, những lưu ý về công ty hoặc vị trí tuyển dụng bạn đã tìm hiểu trước. Bạn không nên đọc từ những tài liệu này, nhưng có nó bên cạnh có thể giúp bạn giảm căng thẳng và tự tin hơn đấy.
6. Duy trì “eye-contact” và ngôn ngữ cơ thể
Bạn sẽ dễ bị phân tâm và sẽ dẫn đến việc đảo mắt nhìn quanh nếu mà người đang nói chuyện không ở trong phòng. Vì vậy, bạn cần tập trung và duy trì “eye contact” trong suốt buổi phỏng vấn, và quan trọng là nhìn thẳng vào camera. Quan trọng là nhìn vào camera của máy tính, chứ không phải là nhìn vào màn hình hoặc hình của chính bạn đang hiện lên nhé. Trong khuôn hình, bạn cần chú ý để mình ngồi vào vị trí chính giữa khuôn hình, và hạn chế di chuyển trong suốt buổi trò chuyện. Chọn cho mình một chỗ ngồi thoải mái nữa nhé. Dáng tốt nhất là bạn nên ngồi thẳng lưng, chân chạm đất, tay đặt thoải mái lên đùi hoặc lên bàn.
7. Phát âm rõ ràng và có điểm dừng
Vì phỏng vấn qua video nên bạn cần nói rõ ràng, chú ý nói to vừa đủ nghe để người phỏng vấn không phải gặp vấn đề khi lắng nghe bạn trả lời phỏng vấn. Và bạn cũng cần nên nhớ rằng đường truyền thỉnh thoảng có thể bị gián đoạn hoặc bị chậm. Vì thế, để tránh trường hợp bạn nói bị chồng lên phần hỏi hoặc câu trả lời bị thiếu mất những từ đầu, bạn nên dừng 1 vài giây sau khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi rồi hẵng trả lời nhé.
8. Kết thúc buổi phỏng vấn bằng lời cám ơn chân thành
Tương tự như phỏng vấn trực tiếp, bạn nên cám ơn nhà tuyển dụng đã cho bạn cơ hội để phỏng vấn. Và trong vòng 24 giờ, bạn nên gửi email cám ơn cho nhà tuyển dụng. Trong email này, bạn có thể đề cập vắn tắt tại sao bạn muốn vị trí này và vì sao bạn là ứng viên sáng giá nhất. Bạn có thể nhắc đến những vấn đề bạn và nhà tuyển dụng đã trao đổi có thể làm cá nhân hoá cho email cám ơn của bạn .
Nếu bạn dành thời gian để chuẩn bị và làm theo những “bí kíp bỏ túi” trên đây, bạn sẽ để lại ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng và hi vọng sẽ có được công việc như ý – hoặc là ít nhất thì một buổi phỏng vấn khác thôi.